Ma đói
Mời quý thính giả cùng đón nghe truyện ma Ma đói của tác giả Tam Tang qua giọng đọc Mạnh Cường
19 người đang nghe
Lượt nghe:1,143
Tôi tốt nghiệp trường Sỹ Quan Chiến tranh chính trị Đà Lạt vào đầu mùa Thu 73 với cấp bậc Thiếu Úy. Được cử về đại đội 23 - chiến tranh chính trị, thuộc sư đoàn 23 BB. Trang trại của đại đội nằm sau lưng Tiểu Khu Đắc Lắc và kế bên một nghĩa trang Quân Đội. Bên kia đường, đối diện với nghĩa trang là một xóm nhà dân thuộc khu Trần Hưng Đạo. Trại tôi gồm có 3 dãy nhà dài dùng làm văn phòng và kho chứa các tài liệu. Chúng tạo hình chữ U với đáy dựa về hướng nghĩa trang. Ở dãy nhà này có một gian được ngăn làm hai buồng cho các sỹ quan độc thân ở hoặc sỹ quan trực ngủ qua đêm. Cuối dãy là một nhà bếp nhỏ dùng để phục vụ cho các sỹ quan và hạ sỹ quan độc thân của đại đội.
Tôi là sỹ quan độc thân duy nhất trong đơn vị nên chiếm một căn phòng cho mình. Cơm nước đã có nhà bếp lo; quần áo thì cuối tuần đưa ra tiệm giặt ủi thế là xong. Cuối tuần tôi hay lang thang ra phố uống cà fê, rồi ghé vào rạp Thăng Long xem chiếu bóng. Thành phố Ban Mê Thuột nhỏ lắm, đi vòng vòng chừng nửa tiếng là lại về chổ khởi hành rồi. Có năm rạp hát cả thảy, nhưng tôi thích xem ở rạp Thăng Long vì ở đó chiếu phim của Mỹ hay Pháp, còn các rạp khác chỉ toàn phim kiếm hiệp Hồng Kông mà tôi chúa ghét. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ, tôi thường đến ngồi dầm tại quán cà fê "Mây Hồng" bên hông trường trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột để ngắm các tà áo dài xanh của các cô nữ sinh sau giờ tan trường.
Tuy Ban Mê Thuột và Pleiku cách xa nhau hơn trăm cây số, nhưng hai thành phố gần giống như nhau, cũng bé như nhau, có sương mù, có gió lành lạnh. Tôi thấy bài hát của Phạm Duy về em gái Pleiku má đỏ môi hồng cũng có thể áp dụng cho cái xứ "Buồn Muôn Thủa" này.
Mấy ngày đầu mới về đơn vị, tôi phải lo các thủ tục giấy tờ, lo dọn dẹp chổ ăn chổ ngủ, rồi lại phải nhậu mấy chầu với các sỹ quan đàn anh trong đơn vị. Tôi mệt nhoài người nên đêm về ngủ như chết. Tuần sau mọi việc đã đâu vào đấy rồi thì những sự việc lạ bắt đầu xảy ra, gây cho tôi sự chú ý. Vào nửa đêm 30, trời tối đen. Gió thổi thì thào mang theo cái lạnh cao nguyên xuyên qua các kẻ hở của vách ván vào tận trong phòng. Tôi co rúm người trong chiếc chăn nhà binh. Bổng tai tôi nghe tiếng reo hò, tiếng đánh nhau hòa lẫn cùng với tiếng gió phía sau dãy nhà. Tôi tự nghĩ sao ai lại đánh chửi nhau vào giờ này kìa. Tôi hiếu kỳ mở cửa bước ra xem. Ngoài trời vắng lặng, chỉ có tiếng côn trùng rả rích và ánh sáng của mấy con đom đóm lập lòe đó đây. Tôi bước tới vọng gác trước cổng hỏi người lính canh:
- Anh có nghe thấy gì không?
- Không. Không có gì xảy ra cả.
Tôi trở về phòng tự trấn an, có lẽ mình tưởng tượng ra mà thôi. Rồi như các chàng thanh niên trẻ khác tôi lăn ra ngủ say cho tới tiếng kẻng báo thức nổi lên với lăn xuống giường chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đêm sau, tiếng con cú mèo (có nơi gọi là chim heo) kêu éc éc trong nghĩa trang sau nhà làm tôi thức giấc. Và tôi lại nghe tiếng hò hét, tiếng chửi nhau, rồi tiếng đánh nhau vang dội sau nhà. Tôi lần xuống giường, ghé mắt vào kẻ hở trên vách nhìn về hướng nghĩa địa, chẳng có ai cả. Tiếng động cũng im bặt. Chỉ có một con cú mèo đậu trên đỉnh của cái tháp "Tổ Quốc Ghi Ơn", và mấy con đom đóm bay vờn vờn trên các ngọn cỏ bông lau mọc ven rào của nghĩa trang.
Tôi không nghĩ là mình nghe lầm hay tưởng tượng ra. Lần này là lần thứ hai tôi nghe mà. Tôi đợi một lát nhưng chẳng có gì xảy ra nữa.
Trở về giường tôi trằn trọc nghĩ về điều này và tự nhủ là nhất định phải tìm hiểu sự việc này.
Sáng hôm sau tôi hỏi một sỹ quan trong đại đội về việc này, anh ta hơi biến sắc nhưng cố đổi giọng nói:
- Làm gì có chuyện đó.
Xong anh ta quay qua chuyện khác. Điều đó chỉ làm cho tôi thêm nghi ngờ mà thôi. Tôi hỏi một vài người lính họ cũng ởm ờ và lảng qua chuyện khác.
Hình như mọi người cố tránh nói về sự kiện này. Không thỏa mãn với bạn đồng ngũ, tôi quyết mang chuyện này đi hỏi những người dân quanh đây.
Cuối tuần đó khi mang quần áo bỏ giặt ủi, tôi bắt chuyện với bà chủ tiệm. Bà ta chừng khoảng 40, người Quảng nên giọng nói hơi khó nghe, nhưng tôi hiểu hết các
điều bà nói. Khi nghe tôi hỏi về sự việc tôi trải qua hai đêm liền, bà ta trầm giọng trả lời:
- Ông mới vềnên không biết thôi, chứ ở đây ai cũng rành về mấy con ma ở chổ trại ông ở hết trơn. Mấy ông lính cũng biết rành hết chứ. Có lẽ mấy ổng không muốn ông hoang mang hay sợ nên họ giấu ông đó..
- Xin thím kể cho tôi nghe đi. Tôi không sợ đâu.
- Được rồi nếu ông không sợ thì tui kể đầu đuôi cho ông nghe.
"Chuyện này bắt nguồn từ năm 68 lận. Đêm 30 Tết năm đó Việt Minh đánh vào thị xã Ban Mê Thuột, họ tổng tấn công vào hầu hết các căn cứ quân sự và hành chánh trong thị xã. Từ phi trường Phụng Dực đến bộ chỉ huy trung đoàn 45 tại cây số 5, cả đến bộ chỉ huy sư đoàn 23, luôn cả tiểu khu Đắc Lắc lẫn Tòa Hành Chánh tỉnh, và cả kho đạn Mai Hắc Đế nữa. Tuy hầu hết lính đã đi phép Tết, những người còn lại vẫn chiến đấu rất dũng cảm. Họ đẩy lùi mọi cuộc xung phong của VC vào các căn cứ của họ. Vài tuần sau khi tàn cuộc chiến, bọn VC để lại mấy ngàn xác chết quanh vòng rào các căn cứ quân sự. Xác chết sình thúi rất ghê tởm. Lính công binh phải dùng xe ủi để đào các hố lớn làm mồ chôn tập thể cho các xác chết này. Tui biết vài chổ như một ở Trung Tâm Tình Thương, một ở trại Mai Hắc Đế, và một chổ ở cạnh bên nghĩa trang quân đội. Tui không biết mấy ông lớn nghĩ sao mà lại cho cất trại lính ngay trên cái mồ tập thể đó. Tui nói cái trại của ông đó, ông Thiếu Úy à.
Từ khi có ngôi mộ tập thể đó dân chúng sống dọc theo nghĩa địa bắt đầu bị quấy phá. Lúc đầu thì họ chưa biết gì hết. Thỉnh thoảng đêm đến có vài người ăn mặc rách rưới gỏ cửa xin cơm ăn, nhưng riết rồi người ta nghi ngờ vì toàn là người lạ mặt nói đặc tiếng Bắc không thôi. Họ nghi là ma nên không mở cửa cho ăn nữa. Nhưng rồi bọn ma đói đó làm tới. Không cho thì chúng quậy. Nhà nào còn cơm nước thừa qua đêm đều bị quậy thiu vữa hết. Bà con sợ mấy con ma này nên kẻ thì xin bùa về treo trước cửa, người thì lấy nước phép về rẩy khắp nhà trước khi đi ngủ. Bọn ma càng ngày càng lộng hành. Chúng kéo nhau nhát những người đi chơi khuya về. Riết rồi chẳng ai dám đi ngang nghĩa địa vào ban đêm nữa. Bà con mời thày cúng về nhờ mấy người lính chôn trong nghĩa trang quân đội giúp họ xua đi bọn ma đói kia. Từ đó bà con không còn bị phá nữa, nhưng những người nhẹ vía sống gần đó vẫn thường nghe tiếng la hét đánh nhau vào những đêm tối trời. Có lẽ hồn của các anh lính chặn đánh bọn ma đói mò đi kiếm ăn. Một vài người trong trại ông cũng nghe tiếng la ó đó mà. Đó là lý do mà không có ai chịu ở trong trại của ông hết, họ sợ nên mướn nhà riêng để ở hết trơn."
Tôi về trại đem chuyện này nói lại với anh nhà bếp, anh ta ngập ngừng một chút rồi nói:
- Chuyện này có thiệt đó Thiếu Úy ạ. Ông mới về nên chúng tôi không dám nói sợ Ông hoang mang.
Ngay cuối tuần đó tôi đi mướn một căn nhà nhỏ ở sau Ty Ngân Khố thuộc khu Trần Hưng Đạo, nhà cũng gần trại của tôi. Từ đó tôi chỉ ở lại trại
vào những đêm trực mà thôi. Tuy thế âm thanh của những tiếng reo hò đó vẫn ám ảnh tôi cho đến ngày nay...