Mời quý thính giả cùng đón nghe văn học Phật Ở Tầng Áp Mái của tác giả Julie Otsuka qua giọng đọc Lê Duyên
Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến tàu lênh đênh 3 tuần trên biển. Các cô gái Nhật đủ thành phần, lứa tuổi từ những em bé mới 13 tuổi thơ ngây tới những người phụ nữ quá lứa, lỡ thì đều háo hức mong chờ được đổi đời trên đất Mỹ. Trên chuyến tàu ấy, có cô đã yêu một vị truyền giáo, nhưng không dám đi cùng anh ta bởi cô tin chồng mình đang chờ trên đất Mỹ; có người trót ngủ với vị thủy thủ thì nhảy xuống biển tự vẫn bởi cô đã là người có chồng. Chồng của các cô, là những người đàn ông đã viết thư, gửi ảnh cho các cô, nói rằng họ là những ông chủ nhà băng, là luật sư, bác sĩ, doanh nhân…
Nhưng tất cả đã vỡ mộng khi vừa đặt chân lên đất Mỹ. Những người sẽ là chồng của các cô chỉ là những nông dân đi làm thuê, hoặc là kẻ vô công rồi nghề. Trước mặt họ là tương lai mờ mịt, sau lưng họ đã không còn đường quay về. Họ bắt đầu với hiện thực nghiệt ngã, sống câm nín, nhịn nhục như những chiếc bóng bên cạnh chồng.
Mặc dù được đánh giá là những lao động ưu tú, luôn chăm chỉ, kỷ luật, bền bỉ, những phụ nữ Nhật vẫn không được coi trọng. Cuộc sống vất vả cả về vật chất, tinh thần. Họ bị coi thường, luôn canh cánh nỗi nhớ quê hương và đời sống tinh thần dường như đã chết.
Vượt lên mọi khổ đau, biến cố dồn dập, những người phụ nữ Nhật cho thấy tinh thần Nhật, sức sống Nhật cũng như khát vọng, sự kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi hoàn cảnh của người phụ nữ. Tiểu thuyết là một bài ca buồn và đẹp về sức mạnh và tình yêu cuộc sống của người phụ nữ.
Tác giả Julie Otsuka đã kể lại câu chuyện bằng một nhân vật đặc biệt – “chúng tôi”. Chúng tôi không phải là một vài người một nhóm người, mà là cả một thế hệ phụ nữ Nhật từng như thế.
Trong sách, những chi tiết về đạo Phật xuất hiện rất ít, tính tôn giáo của tác phẩm cũng không có nhưng tên tác phẩm Phật ở tầng áp mái lại ấn tượng và mang ý nghĩa sâu sắc. Nó thể hiện những va đập văn hóa Đông – Tây, thể hiện đời sống tinh thần của những cô gái Nhật gần như không còn. Cuộc sống thực tại khắc nghiệt, khó khăn, những con người lưu vong phải bỏ xó tôn giáo, tập quán của mình. “Chúng tôi xếp những bộ kimono lại và không bao giờ giở chúng ra mặc nữa. Chúng tôi quên Đức Phật. Chúng tôi quên Chúa. Sự lạnh lẽo phát triển trong con người chúng tôi, bám chặt lấy tâm hồn chúng tôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa tan. Chúng tôi sợ rằng tâm hồn mình đã chết”.
Kể một câu chuyện buồn nhưng Phật ở tầng áp mái đẹp và đầy chất thơ. Họ mong “được về lại tuổi thơ để tìm lại chiếc nơ đã đánh rơi ở đâu đó”. Khi nhớ về những đứa con mà họ để lại Nhật trước khi sang Mỹ lấy chồng, họ lưu lại hình ảnh “đứa bé 3 tuổi ngồi bên bờ ao nhìn xác một con ong nổi bồng bềnh trên mặt nước.”
Là một tiểu thuyết hàm súc, Otsuka luôn dùng những câu văn ngắn nhưng sâu sắc, đầy tính triết lý cho tác phẩm. Cô viết: “Đàn bà thì yếu đuối. Nhưng những người mẹ thì mạnh mẽ”. Hay để nói về sự vất vả và không thể hòa nhập văn hóa, tác giả dùng câu: “Hàng đêm, chúng tôi nằm nhìn lên những vì sao Mỹ”. Cái vì sao Mỹ ấy chứng tỏ nhà của họ chính là màn trời, chiếu đất, đêm nằm có thể thấy sao, nhưng sao ở trên đầu nơi nào chẳng giống nhau, ấy thế mà họ vẫn nhìn thấy những vì sao Mỹ.