Mời quý thính giả cùng đón nghe văn học Bão Đồng của tác giả Cao Năm qua giọng đọc MC Đình Duy
Nhà văn Cao Năm đã sáng tác hàng chục truyện ngắn, phần nhiều về nông thôn; cùng thời gian này, anh lặng lẽ đặt bút viết tiểu thuyết. Đeo đuổi suốt 25 năm qua, cuối cùng một cuốn tiểu thuyết dầy dặn của Cao Năm cũng đã ra mắt bạn đọc với nhan đề tập truyện "Bão Đồng". Đọc truyện bạn đọc sẽ được dẫn dắt đến những miền cảm xúc mới mẻ, lạ kỳ những thân thương.
Ý tưởng nghệ thuật nảy ra từ một cơn gió lốc dữ dội không kém một trận bão mạnh tràn qua một vùng thôn quê rộng lớn, gây nhiêu thiệt hại. Nhưng chính cơn lốc kinh hoàng ấy đã lật tẩy tất cả những gì từng được coi là tốt đẹp mà bấy lâu được sơn phết bằng những từ ngữ mĩ miều, trong những bản báo cáo dài thượt luôn luôn khẳng định thành tích năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Ẩn sau những gì màu mè hoa mĩ ấy là không ít chuyện xấu xa, trụy lạc, tha hoá, biến chất, và đi liền với nó là những thói hư, tật xấu, lợi dụng chức quyền, cấp đất sai nguyên tắc nhằm chiếm dụng đất công... Viết tiểu thuyết "Bão đồng", nhà văn Cao Năm không chỉ phê phán kịch liệt những mặt xấu xa, thói hư tật xấu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người đang giữ chức vụ chủ chốt ở xã, ở huyện - mà quan trọng hơn, còn giúp bạn đọc thấy được nhiều người dân, nhiều cán bộ, đảng viên tốt ở nông thôn, như bố con cụ Mải, anh Cải, cô Dậm, anh Túc,... một lòng một dạ gắn bó với tập thể, với cộng đồng làng xã, đêm ngày lo làm sao cho mọi người có bát ăn bát để, quên đi quyền lợi, và cả danh dự cá nhân, để bảo tồn sự trong sạch, uy tín của tổ chức Đảng ở địa phương. Đúng là trong gian nan mới thấy người ngay kẻ gian, người hiền kẻ hèn, còn bình thường cũng khó mà biết người tốt, kẻ xấu.
Truyện khắc hoạ được những nhân vật góc cạnh và đầy tính biến hoá, hiểu theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực, với một chuỗi tình huống bất ngờ, đan xen, mà nhiều chỗ đã nâng lên thành kịch tính. Tỉ như chuyện tấm ảnh của liệt sĩ Bao - hi sinh ở chiến trường năm 1968 - được ông Thàng ở Bắc Cạn cất giữ. Sau cơn bão, Bính - con trai ông Bao - cùng Điền và Liểu được xã cử đi mua sắn về cứu đói cho dân, lại tình cờ nhìn thấy ảnh bố mình trên ban thờ nhà ông Thàng, rồi xin mang ảnh bố mình về... Hoặc tình huống Cải đến nhà vợ chồng Thuật. Thuật hiện là chủ tịch xã, được người em rể là chủ tịch huyện che đỡ, đã lấy hàng nghìn mét vuông đất công lập sinh phần gia tộc. Lợi dụng lúc giáp hạt đói kém, hắn mượn xã viên đào đất vượt sinh phần không phải trả công. Cải vốn là tình địch của Thuật. Hồi Thuật đi chiến trường, đơn vị pháo cao xạ của Cải về lập trận địa ở xã.
***
Điền và Cải len vào được một chỗ thuận lợi thì đứng như chôn chân ở đó, nhìn dán mắt vào mấy người đàn ông cởi trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi màu nâu thẫm, ngang lưng thắt mảnh vải hồng điều. Hai anh em len vào được một chỗ mãi phía vòng trong, thế mà không biết có phải do cái áo sơ mi trắng cộc tay rất nổi của Điền mách lối, mà Dậm và một cô bạn, cũng người ngoài Phương Lưu, chẳng biết bằng cách nào cũng chen vào được gần, đứng đằng sau. Rồi cũng chẳng biết bằng cách nào, hay có con mắt để sau gáy, Điền bỗng nhiên thấy nhồn nhột phía sau, liền quay lại, nhận ngay ra Dậm. Em cũng vào mãi trong này xem à? Đi với ai thế? Điền nhìn Dậm nhỏ nhẹ hỏi. Dậm đánh mắt nhìn Điền, giọng mềm đi, định bảo vào mãi trong này xem mới gặp được anh chứ, hỏi thế mà cũng hỏi. Lại thao thiết nói, không vào mãi trong này xem thì còn xem ở đâu. Rồi hai tay như đẩy vai cô bạn về phía Điền, hỏi, anh không nhận ra chị Lư à. Điền nhìn lại một thoáng, nói thác, tối trời, nhìn mãi không nhận ra ai. Cải nghe tiếng người nói lào thào phía sau lưng, quay lại, nhưng tối trời, không nhận ra cô Đội trưởng Phương Lưu. Vả lại, Cải nghe tiếng người nói lào thào phía sau lưng thì quay lại theo cảm tính, chứ thực, còn mải để tâm theo dõi hai người đàn ông đang tay năm tay mười nhào lặn đất, vo tròn thành bánh pháo to bằng cái mâm. Khi hai người đàn ông nhào lặn xong đống đất, vo tròn thành bánh pháo bằng cái mâm, thì thình lình Cải nghe ba tiếng trống "thùng, thùng, thùng" như ba tiếng súng thần công khai hoả cất lên vang trời dậy đất. Bỗng tất cả mọi người trên sân như nín thở, hàng trăm cặp mắt đổ dồn về chỗ hai người đàn ông ngang lưng thắt dải hồng điều, đang lấy hết sức gượng nhẹ hai tay bốc bánh pháo đất lên khỏi mặt sân, nâng lên ngang người, đẩy lên ngang đầu, rồi dồn hết sức lực giơ thẳng hai tay bê bánh pháo cho cao lên, cao nữa, cao mãi. Cao nữa, cao mãi đến hết cỡ tay, hai người đàn ông bất ngờ tung mạnh bánh pháo lên không trung. Trong tích tắc, một tiếng nổ dễ ngang tiếng sấm đánh bùng một phát, làm hàng trăm người trên sân như cũng bùng cả lên. Sau tiếng nổ là một vành pháo đất văng ra như con trăn nằm cuộn trên sân, rồi tiếng người hò reo, tiếng trống thúc bật lên vang dậy, tưởng vỡ vụn cái sân gạch rộng đến mấy sào. Giữa tiếng reo hò của người xem, hai người trong ban tổ chức cầm thước dây chạy đến chỗ bánh pháo vừa văng xuống, chăm chú, cẩn trọng đo từng vết nứt, chỗ gấp, khoảng văng xa của pháo. Cũng giống như nhảy cao, chạy xa trong điền kinh, luật chơi pháo đất lấy độ văng xa của vành bánh pháo làm kết quả cuối cùng để đánh giá tài nghệ của người chủ pháo. Hết đợt pháo của hai người đàn ông thắt dải hồng điều, đến lượt hai người đàn ông cũng chỉ mặc chiếc quần đùi nâu, nhưng ngang lưng thắt dải vải xanh màu lá mạ, như để phân biệt với hai người thắt vải hồng điều ban nãy.